Từ xa xưa dân gian đã lưu truyền câu: “Cơm gạo mới, cải ngồng non, gái một con, gà mái ghẹ”. Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin bàn tới chuyện… ăn gà. Giới sành ăn gà đất Bắc chẳng ai lạ gì thương hiệu "Gà tươi Mạnh Hoạch".
Từ nước trà quán đến nhà hàng “Gà tươi Mạnh Hoạch”
Chung quanh cái tên “Gà Mạnh Hoạch” có những câu chuyện vui nhiều, buồn cũng không ít, đôi khi nửa thực nửa hư. Nhưng câu chuyện thực không thể phủ nhận chính là việc kinh doanh rất hiệu quả của chuỗi nhà hàng “Gà tươi Mạnh Hoạch”.
Hồi trước năm 1998, cánh lái xe liên tỉnh phía Bắc chạy qua khu vực Km 67 gần ga Phạm Xá, Kim Thành (Hải Dương) thường dừng ở một trong những quán nước trà ven đường để nghỉ ngơi. Căn nhà cấp 4 được dùng làm quán bán nước trà chỏng chơ mấy loại nước, thuốc, kẹo, bánh ăn lót dạ như bao quán trà chén khác, chỉ khác là thi thoảng cao hứng, ông chủ phục vụ cho cánh lái xe “ruột” khi thì đĩa cổ cánh, lúc là cặp đùi gà rồi bát cháo đêm. Món ăn đơn giản, kỹ năng nấu nướng chẳng có gì đáng nói cho lắm, nhưng cánh lái xe truyền tai nhau món gà ở quán này ngon đặc biệt: thơm - mềm - ngọt từ thịt đến nước dùng.
Hữu xạ tự nhiên hương, dãy xe theo thời gian nối đuôi nhau đỗ trước cửa quán cứ ngày càng dài ra. Món kinh doanh chính của quán là nước trà, thuốc, bánh kẹo dần lùi xuống vị trí thứ yếu, nhường chỗ cho món thịt gà - “vận hên” giúp gia đình ông Phạm Hồng Hoạch đổi đời.
Bước sang lĩnh vực kinh doanh nhà hàng ăn uống là câu chuyện lớn, không ít thách thức với ông chủ căn nhà cấp 4 này. Ngay từ lúc manh nha bước vào kinh doanh nhà hàng ăn uống, ông Hoạch sớm nhận ra sức thu hút và níu chân thực khách của mình không phải là không gian, cảnh quan nhà hàng mà chính là con gà. Căn nhà của ông có thể đầu tư mở rộng làm nhà hàng ăn uống, nhưng không thể phát triển thành trại nuôi để cung cấp gà ngon. Nhiều đêm mất ngủ, rồi được người thân, bạn bè mách bảo, ông Hoạch đã “chấm” vùng đất Bắc Giang, cách Hải Dương không quá xa, đường sá đi lại vận chuyển khá dễ dàng. Hơn thế nữa, ở Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng có một giống gà đồi nổi tiếng có hương vị thơm ngon rất đặc trưng.
Nhưng cũng có lời đồn rằng, với con mắt tinh đời, ông Hoạch đã “dắt” giống gà Mía từ Tùng Thiện (Hà Tây cũ), nay thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội) lên đất Bắc Giang để cải tạo giống. Giống gà Mía nhìn hơi thô, mình ngắn, đùi to, mào đơn, gà mái màu nâu xám hoặc vàng. Đây là loại gà có thời gian sinh trưởng ngắn, trọng lượng đạt 1,8-2,2 kg/con, tuy nhiên loại gà này cũng chưa thực sự có thịt săn chắc. Ông Hoạch xây dựng trang trại nuôi gà rộng hàng chục héc-ta, vừa trồng vải vừa thả gà; lần mò tìm hiểu cách nuôi từ những người dân địa phương, thử cách pha trộn thức ăn cho gà, ép gà hàng ngày phải “chạy việt dã” nhiều lần để thịt săn chắc. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng của gà thịt khi đưa ra phục vụ thực khách, ông chỉ chọn những con gà có trọng lượng không quá 1,2 kg và cho dù đông khách, chỉ khi có người gọi nhà hàng mới thịt gà.
Chung quanh cái tên “Gà Mạnh Hoạch” có những câu chuyện vui nhiều, buồn cũng không ít, đôi khi nửa thực nửa hư
Ban đầu, nhà hàng Gà Mạnh Hoạch cũng chỉ kinh doanh các món ăn đơn giản từ con gà như: gà luộc, gà rán và miến gà. Mặc dù vậy, từ sáng tới tối mịt, nhà hàng không mấy khi vắng thực khách. Hàng ngày cao điểm là từ 10 giờ sáng đến quá trưa và từ 18h30 đến tối mịt, vào nhà hàng rất khó tìm được chỗ ngồi. Nhà hàng quá tải, gia đình ông Hoạch đã xây dựng thêm nhà hàng thứ 2 rộng, khang trang hơn và cùng với đó là thành lập doanh nghiệp gia đình. Thời kỳ kinh doanh đỉnh cao, mỗi ngày hai nhà hàng của ông tiêu thụ 300 - 400 con gà. Giờ đây, lượng khách đến với nhà hàng có giảm đi, tuy nhiên mỗi ngày vẫn tiêu thụ hàng trăm con gà.
Chuyện xưa, chuyện nay
Về tên nhà hàng, cũng là tên của công ty gia đình, nghe nói, thời kỳ mới mở quán, ông Hoạch chỉ chú tâm đến việc chăn nuôi và kinh doanh các món ăn từ con gà chứ không chú trọng đến chuyện đặt tên quán. Nhà hàng ở Hải Dương với cái tên mộc mạc “Gà ông Hoạch” đã từng nức tiếng gần xa. Những năm 2000, nhà hàng rất đông khách thập phương xuôi ngược trên quốc lộ 5 và từ mọi miền vì nghe tiếng “ngon” mà tới. Một hôm có đoàn khách từ Hà Nội xuôi đường 5 về Hải Phòng ghé vào quán. Quả danh bất hư truyền, quán cũng chỉ bán mấy món dân dã, nhưng rất ngon miệng. Một vị khách tò mò mới hỏi chủ quán đây là giống gà gì? Chủ quán thực thà chia sẻ rằng: “Để có được con gà này cũng rất kỳ công. Tôi thả trong vườn rộng, ngày đuổi cho gà chạy 7 lần thịt mới săn chắc. Ông ăn thịt gà mới ngon là vậy”. Vị khách kia mới buột miệng thốt ra rằng: “Đúng là gà Mạnh Hoạch” (theo Tam quốc diễn nghĩa thì Gia Cát Lượng 7 lần bắt Mạnh Hoạch rồi tha, sau đã thu phục được vị tướng tài Mạnh Hoạch). Từ đấy chủ quán dùng cái tên này đặt cho quán của mình là “Gà tươi Mạnh Hoạch”.
Công việc kinh doanh phát đạt, đến tháng 8/2004, ông Phạm Hồng Hoạch được tư vấn nên phát triển chuỗi nhà hàng và đăng ký thành lập công ty. Ông đã thực hiện các trình tự thủ tục pháp lý để đăng ký bảo hộ thương hiệu “Gà tươi Mạnh Hoạch” và ngày 1/4/2006 được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 71285.
Theo đó, ban đầu doanh nghiệp chỉ có 3 nhà hàng “Gà tươi Mạnh Hoạch” tại Km 67 và Km 68, ở khu vực ga Phạm Xá, Kim Thành (Hải Dương) và nhà hàng thứ 3 ở 783 đường Nguyễn Văn Linh (Hải Phòng). Tháng 4 vừa qua, “Gà tươi Mạnh Hoạch” đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng một nhà hàng rộng 200 m2 với quy mô 7 tầng tại TP.Uông Bí (Quảng Ninh) nhằm phục vụ cho khách du lịch trên đường đến với Hạ Long. Các cơ sở "Gà tươi Mạnh Hoạch” đã tạo việc làm cho khoảng gần trăm lao động với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Vừa qua, ông Hoạch lâm bệnh hiểm nghèo đã mất, việc kinh doanh được giao cho 2 anh em họ Phạm, là con trai ông Hoạch điều hành. Nhưng có một thực tế đáng buồn là từ trước năm 2010 cho đến tận bây giờ, ở nhiều tỉnh đã xuất hiện những nhà hàng mang thương hiệu “Gà tươi Mạnh Hoạch”, tất cả đều là nhái thương hiệu, vi phạm quy định của Nhà nước về sử dụng nhãn hiệu hàng hóa. Phần lớn các nhà hàng này là ở các thành phố đồng bằng Trung du Bắc bộ như: Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đặc biệt, ở hai thành phố Hà Nội và Hải Dương, thương hiệu “Gà tươi Mạnh Hoạch” mọc nhan nhản như nấm sau cơn mưa. Đến nay, vết loang “Gà tươi Mạnh Hoạch” còn theo quốc lộ 1 lan vào các tỉnh miền Trung, TP.HCM và có thể còn ở một số vùng xa hơn nữa.
Bước phát triển của “Gà tươi Mạnh Hoạch”
* Xây dựng trang trại hàng chục héc-ta để phát triển đàn gà
* Tìm hiểu cách pha trộn thức ăn, cách nuôi để gà cho thịt ngon
* Tìm được tên gọi dễ nhớ có ý nghĩa và tập trung xây dựng thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ
* Đầu tư phát triển nhà hàng mới
Quốc Minh - Anh Tuấn